Miếu Tam Tòa hiện nay tọa lạc tại xóm Lạc Thọ, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

MIẾU TAM TÒA

Xã Cẩm Lạc – huyện Cẩm Xuyên – tỉnh Hà Tĩnh

I. Địa điểm và đường đến di tích

Miếu Tam Tòa hiện nay tọa lạc tại xóm Lạc Thọ, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Cẩm Lạc gọi là xã Nam Lạc, tổng Lạc Xuyên, gồm có xã Dư Lạc và xã Tư Dũng. Sau năm 1945, lấy tên các vị tiền bối đặt tên cho các làng. Năm 1954, cải cách ruộng đất, vùng Quán Mới nhập về xã Cẩm Trung.

 

Xã Cẩm Lạc còn các xóm: Đình Phùng, Đình Hồ, Yên Lạc, Quang Trung, Hưng Đạo, Ngô Quyền, Lạc Thọ, Nam Hà, Trung Đoài, Trần Phú, Minh Phúc, Minh Khai, Trần Trứ, Lạc Sơn. Năm 1965, chia Cẩm Lạc thành 2 xã: Cẩm Lạc và Cẩm Minh. Cẩm Lạc gồm các xóm: Đình Phùng, Đình Hồ, Yên Lạc, Quang Trung, Nam Hà, Lạc Thọ, Hoa Thám, Ngô Quyền, Hưng Đạo, Trung Đoài, Trần Phú, Nam Văn.

Địa hình Cẩm Lạc khá đa dạng. Rừng già nối liền dãy Trường Sơn ở đỉnh Cọc Đèn, Cửa Truông ra đến núi Choác (Cẩm Sơn). Các đồi bình độ thấp có: Động Mòi, Động Thến, Tùng Lau, Báp Muộng, Động Hồ, Cục Chấu, Trại Khuê, Trại Bà, Cụp Cháy, Cụp Chấu, Cụp Mồ, Động Gút…Đất nông nghiệp ve sông, ven đồi chủ yếu là đất cát pha...

Xã Cẩm Lạc có nhiều di tích lịch sử - văn hóa trong đó có đình chợ Biền, đền Bản Thổ, đền thờ Thành Hoàng, miếu Động Mòi, miếu thờ ông Hoàng Cầm, chùa Tư Dũng, chùa  Dư Lạc, đền Thánh và miếu Tam Tòa. Vùng chợ Biền là căn cứ hoạt động của nghĩa quân Cẩm Thứ trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống thực dân Pháp do Phan Đình Phùng lãnh đạo cuối thế kỷ XIX.

Miếu Tam Tòa, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên cách thành phố Hà Tĩnh 33 cây số về hướng Nam. Từ thành phố Hà Tĩnh, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh, du khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ như xe đạp, xe gắn máy, xe ô tô là thuận tiện nhất, đi hướng ra Nam theo Quốc lộ 1A, qua thị trấn Cẩm Xuyên 20km rồi đi tiếp 10km rẽ sang đường liên xã Trung – Lạc 3km nữa là đến di tích. Di tích nằm ở chỗ cao ráo, xung quanh được hói Miệu bao bọc.

II. PHÂN LOẠI DI TÍCH

Nghiên cứu nội dung lịch sử, giá trị của di tích; khảo sát điền dã thực địa; căn cứ Điều 11, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 cho phép chúng ta xếp Miếu Tam Tòa thuộc loại hình di tích lịch sử - văn hóa lưu niệm danh nhân.

III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH

Di tích lịch sử - văn hóa miếu Tam Tòa được xây dựng dưới thời phong kiến, tính đến nay đã có hàng trăm năm. Di tích chủ yếu là nơi thờ Tam Tòa Đại Vương, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; thờ 4 mẹ con Hoàng hậu nhà Tống Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương; thờ thần Bản Thổ và thần Nông.

  1. Tam Tòa Đại Vương, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

Lý Nhật Quang còn có tên gọi là Lý Hoảng là con thứ 8 của đức vua Lý Thái Tổ vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XI. Ông là người nổi tiếng thông minh, 8 tuổi biết làm thơ, 10 tuổi tìm hiểu kinh sử. Ông được dạy dỗ chu đáo để gánh vác nhiều trọng trách của nước nhà.

Năm Bính Tý (Thông Thụy năm thứ 3-1036), “mùa hạ tháng 4, đặt hành dinh ở châu Hoan, nhân đó đổi châu ây là châu Nghệ An”.

Năm Tân Tỵ (Càn Phù Hữu Đạo thứ 3 – 1041): “tháng 11 xuống chiếu cho Uy Minh hầu Nhật Quang làm tri huyện châu Nghệ An” lo việc thu thuế nhưng do không hà lạm thuế của dân nên được lòng dân. Lúc này, châu Nghệ An (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) là vùng biên viễn của quốc gia Đại Việt, việc quản lý còn lỏng lẻo, nhiều cuộc nổi dậy chống phá diễn ra, gây phiền nhiễu cho dân chúng. Khi đến làm tri châu, Lý Nhật Quang có công rất lớn ổn định tình hình xã hội ở vùng biên viễn này.

Tháng 8 năm Giáp Thân 1044, tức năm Minh Đạo thứ 3, vua Lý Thái Tông có ý định đi đánh Chiêm Thành, Lý Nhật Quang có công lớn trong việc chu cấp lương thực cho quân sĩ thắng trận. “Tháng 8, đem quân về. Đến hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu Nhật Quang đến úy lạo rồi trao cho tiết việt trấn thủ châu ấy, gia phong tước vương. Trước đây, vua ủy cho Uy Minh thu tô hàng năm ở Nghệ An và sai lập trại Bà Hòa khiến cho [trấn ấy] được vững chắc, lại đặt điếm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước”.

        Đề cập đến Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, sách Bách thần sự tích chép: “Ngài ở châu (tức châu Nghệ An – Tác giả) 19 năm, trừng trị bọn gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân được vỗ về yên nghiệp. Người thường qua lại vùng này, vùng khác, dạy nghề làm ruộng, chăn tằm, trồng cây cối, nuôi gia súc, có nhiều chính sách có lợi cho dân, làm cho nhân dân đoàn kết, có người đến kiện tụng thì lấy liêm sĩ, lễ nghĩa giảng dạy ai cũng được cảm hóa, không cần đến kiện cáo nữa. Mọi người gọi ngài là Triệu công (một vị quan nổi tiếng thương dân thời xưa ở Trung Hoa). Hồi ấy, người Ô Châu thường đến cướp phá vùng Kỳ Hoa, Thạch Hà, ngài bèn dẹp yên, lấy ân tín để phủ dụ. Ô Châu không còn dám gây tai họa ở vùng biên cương nữa. Đến đời Thánh Tông, niên hiệu Long Thụy Thái Bình tam niên (1056), ngài bình xong giặc  Ông Kiệt, Lý Cát trở về thì đã có người thay nắm giữ chính quyền. Thấy ngài bị giải chức, nhân dân trong châu vin vào cương ngựa mà khóc như mất cha mẹ. Đến khi ngài qua đời nhân dân trong châu lập đền thờ ngài”

Theo thần phả đền Qủa Sơn, một trong bốn ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở Nghệ Tĩnh, thì Lý Nhật Quang Quang qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm 1057 trong trận chiến đấu với giặc. Ông bị chém khỏi cổ nhưng đầu không lìa, đến núi Quả thì ngựa quỵ xuống.

  1. Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương

Miếu Tam Tòa còn là nơi phối thờ Đại Càn Quốc Giam Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương. Đó chính là mẹ con hoàng hậu nhà Tống (Trung Quốc) bị quân Nguyên truy đuổi phải nhảy xuống thuyền đi ra biển và dạt về phía nam và bị chết vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIII, sau đó rất linh thiêng trở thành vị thần phù hộ cho những người đi biển, làm bạn với sông, nước. Hiện nay, cơ sở thờ tự chính của thần ở đền Cờn, thuộc xã Càn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong bốn ngôi đền linh thiêng nhất của vùng đất Nghệ Tĩnh xưa, nơi được mệnh danh là “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần”: “Nhất Cờn, nhị Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.  Thần nổi tiếng linh thiêng giúp vua Trần Anh Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh tông đánh giặc giữ nước và được vua bao phong cho là “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương”. Cũng như Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, hiện nay có rất nhiều nơi lập đền thờ tự thần, đặc biệt là những nơi gần sông nước, ngoài đền Cờn (Càn Hải – Quỳnh Lưu), còn  có đền Thánh Mẫu (Phố Hiến – Hưng Yên), đền Lộ (Hà Nội), đền Cả (Xuân Hội – Nghi Xuân), đền Nhà Bà ở phố cố Phù Thạch (nay trở thành phế tích), miếu Tam Tòa (Cẩm Lạc – Cẩm Xuyên)…

Về thần tích của Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, cuốn Bách thần sự tích chép có đoạn: Thần “nguyên là Hoàng hậu của vua Độ Tông nhà Tống, sinh một lần 2 công chúa. Nhà Tống mất, quân Nguyên đuổi gấp, Hoàng hậu cùng 2 cô con gái chạy ra biển gặp bão tố, thuyền trôi dạt đến hòn Mắt (Nhãn Sơn) ở biển Nam. Trên đảo có một nhà sư giữ lại tiếp đãi, hoàng hậu không chịu ở, bèn cùng 2 con nhảy xuống biển. Sư ông tự thấy mình có lỗi, cùng chết theo. Phương hồn họ không tan, trở thành thần biển, sau hóa thành cây gỗ trầm hương trôi vào biển, hiển hiện linh ứng. Dân xã ấy vớt cây gỗ trầm lên, lập miếu thờ. Vua Trần Anh Tông nam chinh Chiêm Thành, mộng thấy thần giúp binh uy. Thắng trần trở về, vua bèn bao phong, sai xây dựng đền ngói. Vua Lê Thái Tổ đánh quân Ngô mở nước, vì việc thần có công giúp đỡ, gia ban tiền vàng, dải ngọc. Vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm, cầu khấn, thắng trận, khải hoàn lại tạc tượng, tặng thơ tu sửa thêm đến miếu”.

  1. Phật giáo ở miếu Tam Tòa

Phật giáo du nhập vào Việt Nam cũng như Hà Tĩnh vào khoảng thế kỷ III đến thế kỷ II trước Công nguyên, được đánh dấu bằng việc Chử Đồng Tử đến núi Quỳnh Viên (Cửa Sót – Thạch Hà), được nhà sự Phật Quang truyền dạy tu hành và đắc đạo tại đây. Cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam khẳng định việc này là có thật và cho rằng Chử Đồng Tử là phật tử Việt Nam đầu tiên. Vào thời kỳ phong kiến độc lập , tự chủ, chùa chiền ở Hà Tĩnh phát triển mạnh, Ngàn Hống trở thành một trung tâm phật giáo với chùa Hoa Tạng (chùa Uyên Trừng hay chùa Giằng có từ thời Lý (1009 – 1226), chùa Thiên Tượng, chùa Hương Tích, chùa Long Đàm, tháp Cửa Diện, chùa Ân Quang ở Phù Thạch, chùa Rối (Cẩm Thịnh – Cẩm Xuyên), …đều có từ thời Trần. Đến thời Lê, Nguyễn, có chùa Diên Quang (Đức Hòa – Đức Thọ), chùa Tượng Sơn (Sơn Giang – Hương Sơn), chùa Tĩnh Lâm (Thạch Lâm – Thạch Hà), chùa Yên Lạc (Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên), chùa Hữu Lạc (Kỳ Bắc – Kỳ Anh)…

Việc có một đơn nguyên kiến trúc ở miếu Tam Tòa, xã Cẩm Lạc – Cẩm Xuyên là nơi phối thờ Phật cho thấy, Phật giáo đã du nhập một cách tự nhiên tới đây và hòa hợp, hỗn dung với các tín ngưỡng  bản  địa khác nhờ đề cao đức từ bi, trí tuệ của nhà Phật. Hiện tại, đây còn lưu giữ 6 pho tượng cổ được làm bằng gỗ mít: 3 pho Tam Thế và 3 pho quan viên. Ba pho Tam Thế tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Ba pho tượng này mặc áo cà sa, tọa trên đài sen, mắt nhìn xuống trong tư thế ngồi thiền. Tượng bị xuống cấp nghiêm trọng, mất hết bàn tay.

Ngoài ra, miếu Tam Tòa còn là nơi phối thờ thần Nông và thần Bản Thổ.

Thần Nông thường được biết đến với tên gọi Viêm Đế. Theo truyền thuyết, ông là người dạy ông làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên làm lễ tịch điền, tổ chức sau khi gặt hái và thu hoạch mùa màng và lễ hạ điền, tổ chức trước khi gieo trồng. Ngoài việc dạy dân làm ngũ cốc, còn dạy dân trông cây thuốc trị bệnh. Việc du nhập tín ngưỡng thờ thần nông ở miếu Tam Tòa rất phù hợp với cư dân nông nghiệp ở xã Cẩm Lạc, là nơi cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống đủ đầy

Thần Bản Thổ thờ ở miếu Tam Tòa là vị thần cai quản vùng đất này. Người Việt có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” là vậy. Người Cẩm Lạc rất coi trọng vị thần này nên cho phối thờ ở miếu Tam Tòa.

           IV. Sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến di tích

          Miếu Tam Tòa là di tích lịch sử - văn hóa có từ lâu đời. Nơi đây đã đi vào ký ức của bao lớp người dân của xã Cẩm Lạc. Một thời gian dài và tận đến hôm nay, di tích là điểm tựa tinh thần của bao thế hệ. Đến với di tích nhân các ngày lễ tết, người dân thắp hương tưởng nhớ những người có công xây dựng nên quê  hương đất  nước  này, đồng  thời  cầu  mong  cho  các  vị thần ngự ở đây  phù  hộ  độ  trì   cho  tai   qua,  nạn  khỏi,  phong  hòa   vũ  thuận  cho   cư dân làm nông nghiệp được mùa, bội thu.

Trước đây, dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, xã Dư Lạc có 5 giáp, hàng năm tổ chức cúng tế vào tháng 2 tại miếu Tam Tòa. Lễ vật gồm 2 con trâu đực lớn, cùng các sản vật khác. Tế lễ xong chia cho dân.

          V. KHẢO TẢ DI TÍCH

          Miếu Tam Tòa là di tích lịch sử - văn hóa có tự lâu đời của xã Cẩm Lạc. Di tích nằm trên một cùng đất rộng rãi mà cao ráo so với xung quanh. Miếu nghoảnh về hướng Đông trải rộng trên ô thửa đất 325, Bản đồ địa chính, Tờ số 41 của UBND xã Cẩm Lạc. Phía tây và nam giáp khe Miệu (mương nước), phía bắc giáp khe Miệu, thửa đất số 244 và 245, phía đông giáp khe Miệu, thửa đất số 268 và đường thôn. Các đơn nguyên kiến trúc của di tích bao gồm: Cột nanh – nghi môn, tắc môn, nhà chờ, ban thờ ngoài trời, tòa Tam Tòa, tòa Càn Hải, am thờ Phật, tòa thờ Bản Thổ, tòa thờ thần Nông.

  1. Cột nanh – Nghi môn

Cột nanh là đơn nguyên kiến trúc gốc còn giữ được hình dáng xưa như dưới thời phong kiến. Hai cột nanh trong tư thế nghiêng chụm đầu lại với nhau. Cột nanh hình trụ vuông, cao 5m, chia làm 3 phần đế, thân và đầu. Đế tiết diện vuông, lớn hơn cả 1,10m x 1,10m, cao 0,60m. Thân tiết diện 0,60m x 0,60m, cao 2,40m, xung quanh bề mặt kẻ diềm tinh tế. Phần đầu cao 2m, phình ra chia thành nhiều cấp, phía trên gắn nghê chầu.

  1. Tắc môn

Qua cột nanh – nghi môn đến tắc môn. Tắc môn vừa mới được tôn tạo gần đây với hai cột hình trụ vuông hai bên. Đầu trụ tạo hình lồng đèn, trên gắn quả hồ lô.  Ở giữa tắc môn được trang trí khá công phu với đề tài hổ phù, hoa lá. Hổ phù với trán nhô cao, hai chân có vảy dang ra hai bên trong tư thế giữ tợn chồm về phía trước. Phía trên tắc môn tạo mái xe gắn ngói vảy đất nung đỏ. Trên mái trang trí đề tài lưỡng long triều nguyệt. Rồng đuôi xoắn, lưng có vảy gấp khúc uốn lượn, đầu có bờm ngẩng cao. Mặt nguyệt ở giữa trang trí hình hòn âm dương trong kinh dịch.

  1. Nhà chờ

Nhà chờ là một đơn nguyên kiến trúc 2 gian, 6 cột vuông (cao 2,50m, tiết diện 0,21m x 0,21m), cao 3,70m, mặt bằng 5,10m x 4,10m. Nhà chơ có kết cấu vì kẻ đơn giản bằng bê tông cốt thép.

Mái nhà chờ được cấu tạo 4 mái, độ dốc không lớn, được đổ bê tông cốt thép, gắn ngói vảy đất nung,

Nhà chờ không có trang trí các đề tài truyền thống, có công năng là nơi đón tiếp, chuẩn bị lễ vật trước khi làm lễ.

Nền nhà chờ hình chữ nhật, mặt nền phẳng.

  1. Ban thờ ngoài trời

Ban thờ ngoài trời có mặt bằng hình chữ nhật  3,65m x 2,70m được chia thành nhiều cấp có lư hương là nơi dùng để tế lễ ngoài trời nhân các ngày lễ trọng.

  1. Tòa Tam Tòa

Qua bàn thờ ngoài trời, chúng ta bắt gặp tòa Tam Tòa. Đây là đơn nguyên kiến trúc, nơi đặt bàn thờ thờ Tam Tòa Đại Vương Lý Nhật Quang. Công trình có quy mô khiêm tốn nhưng khá đẹp; cao 3,10m; mặt bằng 2,25m x 2,20m. Mặt trước tuy không có câu đối nhưng được trang trí khá công phù và dày đặc. Phía trên thượng ốc tra trí đề tài lưỡng long triều nguyệt. Phía dưới mái, hai bên trang trí phượng lân chầu cuốn thư ở giữa. Các con vật linh thiêng long, phượng, lân được bàn tay người thợ dân gian tài khoa tạo tác rất tỷ mỹ và có hồn, đập vào mặt chúng ta một hình anh khá sinh động. Các con vật  như rồng được gánh các mảnh gốm hoa lam tạo vảy rồng. Mặt phía dưới, hai bên tạo rộng cuốn đuôi xoắn uốn lợn từ trên xuống dưới đối xứng nhau, ở giữa trang trí hổ phù ngậm chữ Thọ cách điệu. Phía trên cửa cũng trang trí rồng chầu mặt nguyệt, dưới cửa tạo chân hài. Ô cửa vuông 0,80m x 0,80m. Hai bên mặt trước tòa Tam Tòa tạo cột quyết hình trụ vuông với chân đế, thân kẻ ô và đầu. Tất cả trang trí tại mặt trước công trinh đều theo luật đối xứng.

Mặt bên đơn nguyên kiến trúc, ở giữa vỉ ruồi tạo ô vuông thông gió, đầu mái tứ phía gắn con kìm nguýnh lạc long thủy quái. Hai bên mặt bên cũng tạo cột trụ vuôn tương tự như ở mặt trước. Mặt sau để trơn.

Mái công trình được làm bằng bê tông cốt thép khá dốc tạo điều kiện cho thoát nước nhanh vào lúc mưa gió. Mặt trên gắn ngói vảy đất nung màu đỏ.

Tòa Tam Tòa là một đơn nguyên nhỏ chỉ có công năng là nơi đặt đồ tế khí như thần vị, bát hương, hạc chầu…thờ Tam Tòa Đại Vương Lý Nhật Quang (xem sơ đồ bộ trị hiện vật tại di tích), còn việc hành lễ phải đứng phía ngoài điều này thực hiện sẽ khó khăn khi thời tiết xấu như mưa, bảo, nắng, gió…Phía trong ban thờ trang trí rồng cuộn mây

  1. Tòa Càn Hải

Nằm phía bên tả tòa Tam Tòa là tòa Càn Hải. Đây là nơi thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương. Đơn nguyên kiến trúc có kích thước bằng với tòa Tam Tòa. Về  cơ bản có hình dáng giống nhau. Cái khác đó là tòa Càn Hải có đôi cầu đối ca ngợi vị thần được thờ tại đây. Một điểm khác biệt nữa là ở dưới mái không có trang trí rồng chầu cuốn thư.

Đội câu đối phía trước tòa Càn Hải như sau:

Nguyên văn chữ Hán

徽 音 高 北 國

盛 德 著 南 天

Phiên âm

Huy âm cao Bắc quốc

Thịnh đức trứ Nam thiên

Dịch nghĩa

Tiếng hay lừng nước Bắc

Đức thịnh rạng trời Nam.

Ở tòa Càn Hải đặt thần vị thờ Đại Can Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương và các đồ tế khí khác như lư hương, hạc chầu…

  1. Am thờ Phật

Nằm phía bên hữu tòa  Tam  Tòa  là  am  thờ Phật. Am thờ Phật về cơ bản

giống tòa Tam Tòa về kích thước, hình dáng, hoa văn trang trí. Đơn nguyên kiến trúc này chỉ có sự khác biệt đó là phía trên cuốn thư đuôi mái có trang trí bánh xe pháp luân của nhà Phật với ý nghĩa: bánh xe pháp luân chuyển động không ngừng, giáo lý của Đức Phật phát triển không ngừng, hợp thời, hợp cơ, hợp lý, nhưng công năng vẫn là di chuyển, đưa chúng sinh từ tối đến sáng, từ khổ đến vui, từ thấp lên cao, từ vô minh đến giác ngộ, từ địa ngục tới niết bàn; bánh xe pháp luân tới đâu thì cỏ gai, sỏi đá bị nghiền nát tới đó, mê lầm  phiền  não cũng bị dẹp tan; bánh xe pháp luân chỉ tiến thẳng lên phía trước, không bao giờ thoái lui.

          Am thờ Phật do là công trình nhỏ nên chỉ là không gian để thờ Phật. Hiện tại, đơn nguyên kiến trúc là nơi đặt 6 pho tượng, trong đó có 3 pho tượng Tam thế và 3 pho tượng quan viên. Đó là những cổ vật quý cần được tu sửa và bảo quản.

  1. Tòa thờ Bản Thổ

Tòa thờ Bản Thổ nằm bên hữu am thờ Phật. Đơn nguyên kiến trúc cao 2,60m, mặt bằng 2m x 1,80m, được xây bịt kín xung quanh vời tường khá dày 0,35m; mái dốc, mặt trước trổ cửa rộng 0,80m, cao 0,90m.

Mặt trước được trang trí khá đơn giản. Từ phía trước nhìn vào, chúng ta thấy trên thượng ốc được trang trí 2 con kìm nguýnh lạc long thủy quái ở đầu đốc. Hai bên mặt trước tạo cột quyết trụ vuông, được kẻ các đường diềm bảo quanh tạo cho không gian trở nên thanh thoát.

Mái được cấu tạo bằng vôi vữa. Mái dốc, không có sự tham gia của vật liệu gỗ để hình thành nên hệ mái. Mái gắn ngói vảy đất nung màu đỏ.

  1. Tòa thờ thần Nông

Tòa thờ thần Nông nằm phía tả của tòa Tam Tòa, với quy mô, hình dáng, kích thước như tòa thờ Bản Thổ. Tuy nhiên có cái khác biệt là đơn nguyên kiến trúc này được cây sanh bao bọc phần lớn mặt trước và mặt bên của di tích. Di tích có công năng là nơi đặt bàn thờ thờ thần Nông.

Nói tóm lại, chúng ta thấy các đơn nguyên kiến trúc của miếu Tam Tòa hầu hết có quy mô nhỏ của một công trình thờ tự mà người dân gọi là miếu, tức là ngôi đền nhỏ. Tuy nhiên, các công trình của di tích nhiều, lại được phân bố rộng rãi trên một diện tích lớn và làm nơi thờ nhiều vị thần, Phật trong đó phần chủ đạo là thờ Tam Tòa Đại Vương, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, vị hoàng từ thứ 8 của vua Lý Thái Tổ nên mới có tên gọi là miếu Tam Tòa. Các công trình hiện tại, trừ nhà chờ và tắc môn, các đơn nguyên còn lại đều được xây dựng dưới thời phong kiến.

VI. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC VÀ THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

  1. Giá trị lịch sử

Miếu Tam Tòa là di tích lịch sử - văn hóa có từ lâu đời hàng trăm năm của xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích chứng kiến biết bao thăng trầm của quê hương, xứ sở, đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ người dân địa phương. Di tích là nơi hỗn dung về mặt văn hóa ghi dấu ấn cho nhiều tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên, đây là cơ sở thờ tự chính Uy Minh vương Lý Nhật Quang, vị Hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ được cử vào trấn thủ Nghệ An (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), nhằm vỗ về nhân dân, dạy giỗ nhân dân cách sinh kế, ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương, giữ yên bờ cõi, biên viễn phía nam của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ. Những di tích gốc hiện nay góp phần giúp vào việc nghiên cứu tầm ảnh hưởng của Uy Minh vương Lý Nhật Quang  trong lịch sử tại khu vực phía nam Hà Tĩnh.

  1.  Giá trị văn hóa

Về giá trị văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa miếu Tam Tòa có sự hỗn dung văn hóa trong việc thờ tự. Nó quy tụ nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Ngoài việc thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang, di tích còn là nơi thờ Phật, thờ thần Nông và Bản Thổ. Di tích là một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng của địa phương. Những tín ngưỡng, tôn giáo này được người dân tự nguyện đón nhận một cách tự nhiên mà không có sự xung khắc giữa chúng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hay một niềm tin nào khác ở đây. Vì vậy, di tích góp phần tạo nên sự phong phú về văn hóa tâm linh đáp ứng nhu cầu đối với người dân địa phương.

          3. Giá trị khoa học                                                                                                                    

Di tích lịch sử - văn hóa miếu Tam Tòa còn lưu giữ được nhiều di tích gốc có giá trị như: cột nanh – nghi môn, tòa Tam Tòa, tòa Càn Hải, am thờ Phật, tòa thờ Bản Thổ, thần Nông. Đây là nguồn sử liệu rất quan trọng giúp các nhà sử học, văn hóa, bảo tàng… nghiên cứu quá trình mở mang bờ cõi, tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, thuần phong mỹ tục, quan niệm thẩm mỹ, lối sống…của người Việt bản địa vùng đất này.

          VII.  THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH

          Miếu Tam Tòa là di tích lịch sử - văn hóa được người dân xây dựng từ lâu đời. Qua nhiều lần tu bổ tôn tạo, ngôi miếu mới có quy mô, dáng vẻ như hiện nay. Tuy nhiên các thời điểm tu bổ tôn tạo dưới thời phong kiến hiện nay chưa biết chính xác. Còn đến năm 2010, với việc xã hội hóa trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy di sản, chính quyền địa phương đã huy động từ nhiều nguồn khác nhau đã  tôn tạo lại khang trang và thâm nghiêm như bây giờ.

          Hiện, miếu Tam Tòa có ban lễ nghi tự nguyện đóng góp công sức quét dọn, chỉnh trang khuôn viên hàng ngày và phục vụ tế lễ nhân các ngày lễ trọng. Nhờ  đó mà ngôi miếu ngày càng xanh sạch đẹp. Ngoài ra, ban lễ nghi còn có chức năng giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đến với khách tham quan thập phương, nhân dân và các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về di tích.

          

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
      PHÁT THANH CẨM XUYÊN
      Thống kê: 115.697
      Trong năm: 14.563
      Trong tháng: 12.709
      Trong tuần: 6.714
      Trong ngày: 1.126
      Online: 17