Cẩm Lạc là xã thuần nông thuộc vùng bán sơn địa nằm ở phía Nam huyện Cẩm Xuyên, cách trung tâm hành chính huyện hơn 12 km. Xã có tổng diện tích tự nhiên: 3,879,02ha; dân số 7,235 nhân khẩu, với 2050 hộ. Đảng bộ có 406 đảng viên, sinh hoạt trên 16 chi bộ (trong đó 10 chi bộ thôn xóm, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ Y Tế, 1 chi bộ công an, 1 chi bộ quân sự). Tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương sau khi đạt chuẩn NTM tăng trưởng khá, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn. Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, của Huyện ủy, HĐND-UBND –UBMTTQ, các ban ngành, đoàn thể cấp Huyện. Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ xã, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết của Đảng bộ đã đề ra.
Điều kiện tự nhiên kết hợp với sự cải tạo của con người đã tạo cho phong cảnh của xã Cẩm Lạc sơn thủy hữu tình: giữa xã là con sông Rác chạy dọc theo chiều dài của xã, những đêm trăng trai gái hai bên bờ sông hát ví giao duyên; hai bên bờ là những cánh đồng lúa xanh tươi, xa xa là những cánh rừng xanh mát bóng cây, thấp thoáng những đàn bò vàng đủng đỉnh đi về trong ánh nắng chiều.
Tuy vậy, Cẩm Lạc cũng như các xã khác của Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió Lào. Về mùa đông giá rét, về mùa thu thường có mưa, bão lũ, gây ngập úng, mùa hạ gió Lào khô, nóng rát, rất khó khăn cho việc phát triển sản xuất và chăn nuôi. Về văn hoá xã hội. Theo các nhà sử học, trên mảnh đất Hà Tĩnh con người đã cư trú từ rất sớm. Các di vật khảo cổ đã phát hiện nhiều địa điểm ở Hà Tĩnh có mặt của người nguyên thủy. Tuy nhiên cư dân sinh sống ở Cẩm Lạc xuất hiện vào khoảng thế kỷ XII, họ là những người di cư từ các tỉnh ở miền Bắc vào. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã tạo cho nhân dân Cẩm Lạc đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó. Nhân dân Cẩm Lạc từ trước đến nay sống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn.
Nghề nghiệp của cộng đồng dân cư ở đây chủ yếu là nông nghiệp. Do khó chủ động được nguồn nước, ruộng bậc thang, nhiều nơi nhiễm phèn nên năng suất lúa còn thấp.
Xã có Chợ Biền, mỗi tháng họp 15 phiên vào các ngày lẻ âm lịch. Dưới thời kỳ Pháp thuộc, Chợ Biền đầu tiên được đặt tại vị trí nay thuộc thôn Yên Lạc, ở gần sông Rác thuận tiện cho việc buôn bán trên bến, dưới thuyền. Đình chợ được chạm trổ long, ly, quy, phượng rất đẹp; cột đình được làm bằng các loại gỗ quý, có những cột rất to, một người ôm không xuể. Đình chợ nổi tiếng khu vực phía Nam huyện. Do chợ được di chuyển nhiều lần nên đình chợ bị mất mát, hư hỏng, đến nay không còn. Đến thời điểm hiện nay, chợ Biền đã được di chuyển vị trí đến 9 lần, lần cuối vào cuối năm 2004, đầu năm 2005 chợ được chuyển về xứ Nhà Tràm.
Các làng của Cẩm Lạc ngày trước có 23 đền chùa, miếu mạo. Một số đền chùa, miếu mạo đã bị phá hủy, nay chỉ còn miếu Tam Tòa ở thôn Lạc Thọ còn nguyên 4 miếu, điện và 6 pho tượng. Một số đền, miếu mang đậm dấu ấn lịch sử.
Đền thờ Lê Phúc Nhạc, đền được đặt tại động Phượng Hoàng, thôn Quang Trung I xã Cẩm Lạc. Tên gọi Đền thờ quan hoàng Lê Phúc Nhạc, ông sinh năm 1553 tại xã Dư Lạc huyện Kỳ Hoa, sau này đổi thành thôn Đông Lạc, tổng Lạc Xuyên huyện Cẩm Xuyên. Tương truyền, ngày xưa ở làng Dư Lạc có mẹ con người đàn bà goá bụa nghèo hèn, sinh sống bằng nghề bán nước chè ngoài chợ. Tuy nghèo khó nhưng cậu bé rất thông minh, ham học. Đến năm Đinh sửu, dưới triều vua Lê Thế Tông (1567 - 1599), niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577) Lê Phúc Nhạc thi chế khoa đỗ Nhất giáp, lúc đó mới 25 tuổi. Ông được bổ làm quan đến Hữu thị lang Bộ lễ và được phong tước hầu. Sau khi ông mất được phong Phúc thần. Hai phong sắc của ông đến nay còn nguyên vẹn. Phần mộ của ông được an táng tại Rú Rác, địa phận xã Cẩm Trung. Đền thờ của ông được xây dựng cách đây hơn 120 năm tại động Quan Hoàng, địa phận thôn Quang Trung I(1), hiện nay được tôn tạo thành một khu di tích lịch sử văn hoá. Trước cửa đền có hai câu đối viết được đắp nổi bằng chữ Hán, câu bên phải là: Anh linh thiên cổ tại, câu bên trái: Hiển hách tứ thời vinh. Ngày 16 tháng 11 năm 2009 đền thờ Lê Phúc Nhạc được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3616 xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Đền thờ Hổ oai đại tướng quân họ Thiều, nằm trên địa bàn thôn Lạc Thọ, được xây dựng cách đây khoảng hơn 400 năm, thờ một vị nhân thần mới mười bốn tuổi, người họ Thiều có công dẹp hổ, lúc bấy giờ được nhà vua phong là Hổ oai đại tướng quân, kèm theo sắc phong. Mộ được an táng tại động Cơn Rò thuộc thôn Lạc Thọ. Đền nằm ở giữa đồng, có diện tích khuôn viên 500 m2, diện tích của đền 30 m2, xung quanh được xây tường, quanh đền có nhiều cây sanh cổ thụ. Năm 1986 đền được con cháu trong dòng họ và dân làng tôn tạo lại. Giỗ của vị nhân thần vào ngày 23 tháng 10 âm lịch hàng năm.
Miệu Tam Toà, được xây dựng trên địa bàn thôn Lạc Thọ. Gọi miệu Tam Toà là vì miệu có hai nhà thờ chính và một nhà thờ phụ. Ở cổng ra vào có hai cột nanh, trên đỉnh cột có nghê chầu, trong hai nhà thờ chính được đặt các ông Bụt làm bằng gỗ mít. Miệu được xây dựng cách đây khoảng 200 trăm năm. Diện tích khuôn viên của khu vực miệu khoảng 300 m2. Tương truyền Miệu này thờ các vị thần: Tam Tòa Thượng thượng đẳng thần, Tứ vị Thượng thượng đẳng thần, Thành hoàng bản thổ, Thần nông. Miệu có bốn miếu điện, hai tọa bên ngoài thờ các tướng lĩnh, quân lính, bộ hạ bảo vệ các vị thần trên. Cứ hàng năm vào tháng 2 âm lịch, dân làng làm lễ tế. Đầu tháng 2 tế Thượng mậu, lễ tế gồm xôi, oẵn chè; giữa tháng hai tế Trung mậu, hai làng tế hai con trâu đực to nhất làng; cuối tháng hai tế Hạ mậu, lễ tế là xôi, gà. Sau khi làm lễ tế xong, thủ của hai con trâu được đưa kính biếu hai lý trưởng của hai làng, phần nọng của con trâu được chia đem kính các hào cựu, phần quạt của con trâu được kính các cụ cao tuổi nhất của hai làng (từ 80 tuổi trở lên), phần còn lại chia đều cho người dân. Lễ tế Trung mậu được tổ chức rất long trọng. Năm 2019 miệu Tam Tòa được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.Hiện nay miệu Tam Toà đang được tôn tạo lại.
Từ mốc son là xã đã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021, năm 2024 đến với Cẩm Lạc chúng ta với nhiều hứa hẹn và cơ hội phát triển mới, Đảng bộ, nhân dân xã Cẩm Lạc đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng các cấp, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.