Quy định về lấn biển, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chứng chỉ tiếng Anh có hiệu lực tại kỳ thi tốt nghiệp THPT là một số chính sách nổi bật hiệu lực từ tháng 4.
Hai quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực
Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tuy nhiên hai quy định được áp dụng sớm hơn từ ngày 1/4 là Điều 190 và 248.
Điều 190 quy định về hoạt động lấn biển. Theo đó, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ để lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư lấn biển theo quy định pháp luật.
Việc lấn biển phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và điều ước quốc tế. Hoạt động này dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học.
Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư dự án lấn biển thuộc khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản thiên nhiên; vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; cảng biển, vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu; khu vực quy hoạch sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 248 Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp 2017. Một trong những điều khoản quan trọng là "không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt".
Nội dung này được sửa đổi thành "không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định".
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi này nhằm tháo gỡ rào cản trong thực thi chính sách liên quan đến thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng.
Thêm 5 chứng chỉ được tính 10 điểm tiếng Anh thi tốt nghiệp
Theo thông tư hiệu từ 22/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi một số điều của quy chế thi tốt nghiệp, trong đó mở rộng danh mục chứng chỉ tiếng Anh được công nhận trong kỳ thi này.
Theo đó, ngoài TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 như những năm trước, thí sinh sẽ được tính 10 điểm và miễn thi môn tiếng Anh nếu có một trong các chứng chỉ sau: B1 Preliminary, B1 Business Preliminary, B1 Linguaskill; Aptis ESOL B1; Pearson English International Certificate (PEIC) level 2; TOEIC 4 kỹ năng (Nghe và Đọc 275, Nói và Viết 120); chứng chỉ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP).
Với năm ngoại ngữ còn lại là tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, các chứng chỉ dùng để miễn thi tương tự năm ngoái.
Quy chế thi tốt nghiệp năm nay quy định rõ hơn trách nhiệm của thí sinh tự do, vật dụng bị cấm mang vào phòng thi, các vòng độc lập của khu vực ra đề... nhằm hạn chế tối đa gian lận thi cử.
Quy chuẩn quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Thông tư 56/2023 của Bộ Công an ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy chữa cháy có hiệu lực từ ngày 1/4.
Theo đó, phương tiện phòng cháy, chữa cháy phải được kê khai, khai báo phù hợp danh mục tại Quy chuẩn này; quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và kiểm định theo tiêu chuẩn, quy định của pháp luật hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất.
Các phương tiện phòng cháy, chữa cháy gồm: Vòi chữa cháy, lăng chữa cháy phun nước cầm tay, trụ nước, đầu nối, bình chữa cháy xách tay.
Không xét "Lao động tiên tiến" với người tuyển dụng dưới 6 tháng
Thông tư 1/2024 của Bộ Nội vụ quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ 15/4. Văn bản này quy định cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến".
Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới một năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến".
Thông tư cũng nêu rõ không xét tặng hai danh hiệu trên với cá nhân mới tuyển dụng dưới 6 tháng.
Công chức y tế định kỳ chuyển đổi vị trí công tác sau 2-5 năm
Thông tư 01/2024 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 15/4 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế.
Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi gồm: Tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trình cấp có thẩm quyền quyết định; cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn, giấy phép, giấy đăng ký, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, số phiếu tiếp nhận hồ sơ; ban hành danh mục, chương trình, tài liệu thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ đủ 2 đến 5 năm theo đặc thù của từng vị trí công tác.