Cẩm Lạc - Mảnh đất con người và truyền thống

Cẩm Lạc là một mảnh đất bán sơn địa thuộc phía Nam huyện Cẩm Xuyên, có diện tích tự nhiên: 3894 ha. Phía Nam giáp với xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh), phía Bắc giáp xã Cẩm Trung và Cẩm Lộc, phía Tây giáp với xã Cẩm Sơn, phía Đông giáp xã Cẩm Minh.

311592529 1303924260377152 1729025034362108427 n


m 1831, nhà Nguyễn đã cắt hai phủ Đức Th Hoa lập thành một tỉnh mới là tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh có hai phủ và 6 huyện, Cẩm Xuyên lúc đó thuộc huyện KHoa, phủ Hà Hoa.
Sông Rác chạy dọc theo chiều dài của xã hướng từ Tây đến Đông, phân chia địa hình xã thành hai nửa: bờ Bắc và bờ Nam. Bờ Bắc sông Rác hiện nay, tính từ phía Tây đến phía Đông gồm các thôn: Nam Hà, Nam Văn (từ năm 1964 những người ở xã Thạch Văn huyện Thạch Hà vào đây sinh sống, lập thành thôn Nam Văn), Quang Trung I và Quang Trung II, Yên Lạc, Đinh Hồ, Đinh Phùng. m 1975 các thôn này được hợp nhất lại thành một cơ sở, lấy tên là Hợp tác xã Tân Tiến. Bờ Nam sông Rác, tính từ phía Tây đến phía Đông gồm các thôn: Lạc Thọ, Hoa Thám, Hưng Đạo, Trung Đoài, Trần Phú và Nam Hà. Đến tháng 8 năm 1977 các thôn này được hợp nhất lại thành một cơ sở, lấy tên là Hợp tác xã Phú Thọ (lấy chữ cuối của hai thôn đầu tiên và cuối cùng để đặt tên hợp tác xã).

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, huyện Cẩm Xuyên có 4 tổng: Lạc Xuyên, Thổ Ngọa, Vân Tán và Mỹ Duệ. Các xã Cẩm Lạc và Cẩm Minh ngày nay thuộc tổng Lạc Xuyên. Trước năm 1945, chưa có tên gọi xã Cẩm Lạc như bây giờ, mà chỉ có tên các làng, gồm: làng Đông Lạc, Thượng Thọ, Tư Dụng, Nhân Mỹ, Hữu Lệ (trong các làng này có các làng nhỏ: Lạc Sơn, Trần Trứ, nay thuộc xã Cẩm Minh), Hữu Lạc (có các làng nhỏ: Minh Khai, Văn Thai, Lai Lược, nay thuộc xã Cẩm Minh). Làng Đông Lạc và làng Thượng Thọ trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 được chia thành 5 giáp (còn gọi là làng): Giáp Thượng (nay là thôn Lạc Thọ và thôn Nam Hà), Giáp Đông (nay là thôn Hoa Thám), Giáp Nhe (nay là thôn Hưng Đạo), Giáp Chợ (nay thôn Yên Lạc), Giáp Trung (nay là thôn Quang Trung 1 và Quang Trung 2).
Thôn Đinh Phùng và thôn Đinh Hồ trước đây gọi là làng Nhân Mỹ, có vị trí nằm dọc bờ sông Rác, từ cầu Cồn Sim đến cầu Rác. Có hai xóm lẻ là Bàu Vàng (8 hộ) và 16 hộ ở gần đường Quốc lộ 1A (thuộc vùng Quán Mới) thành lập xóm Hàng. Những hộ này sau cải cách ruộng đất sát nhập vào xã Cẩm Trung.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đầu năm 1946 huyện đã chỉ đạo cắt các làng: Giáp Đông, Giáp Nhe, làng

Chợ, làng Trung, làng Thượng Ngân, Lai Lược, Long Trì, Hồ Bảng, Nhân Mĩ, Quán Mới, Văn Thai (có Văn Thai trên và Văn Thai dưới), Lạc Sơn, Trần Trứ thành lập xã Nam Lạc. Tháng 5 năm 1965 xã Nam Lạc được tách thành hai xã: Cẩm Lạc, Cẩm Minh. Các làng Đông Lạc, Thượng Thọ, Tư Dụng, Nhân Mỹ thuộc xã Cẩm Lạc; các làng: Hữu Lệ, Hữu Lạc thuộc về xã Kỳ Phong huyện Kỳ Anh; các làng còn lại thuộc xã Cẩm Minh. Địa bàn Cẩm Lạc bị chia cắt nhiều bởi hệ thống khe suối.
Khe lớn nhất là Khe Tăm, đây là nơi hợp lưu của nước từ khe Cù Kì, Trẹ Mạ, Động Cót, Cụp Lim, Khe Cơm. Năm 1964 người dân Cẩm Lạc đã đắp đập làm nên đập Bàu Bà, Động Bạy. Trọt Vèng là ranh giới của các xã: Cẩm Lạc, Cẩm Sơn, Cẩm Lộc, Cẩm Trung. Trọt Vèng kéo dài đến Hói Cừa hợp với sông Rác (ở gần cầu Rác). Hói Vải là ranh giới chia Nam Lạc thành hai xã Cẩm Lạc, Cẩm Minh. Khe Miệu Quang Trung góp phần tiêu úng xứ Bàu Đưng. Khe Miệu Lạc Thọ chảy ra hợp với khe Miệu Quang Trung. Năm 1991 Chính phủ cho đắp đập ngăn dòng sông Rác làm nên hồ Sông Rác có sức chứa 123 triệu m3, cung cấp nước tưới cho hơn 8.000 ha ruộng lúa một số xã của hai huyện Kỳ Anh và phía Tây Nam huyện Cẩm Xuyên. Sông Rác là nơi giao thương vận chuyển buôn bán sản vật giữa hai vùng: lâm sản từ các vùng Kỳ Thượng, Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) về các xã miền xuôi của huyện Cẩm Xuyên; các hàng hóa từ miền xuôi như muối, nước mắm, vôi … lên miền ngược. Sông Rác còn có các tên gọi khác: sông lạc Giang, sông Biền. Về rừng núi Cẩm Lạc có nhiều hòn núi đẹp có thể khai thác du lịch như núi Cụp Bạc, rú Đụn.
Hệ thống khe suối, ao hồ, các vùng trũng ven sông mấy năm qua đã được bà con trong xã đấu thầu, cải tạo thành hồ nuôi tôm, cá, kết hợp với thả vịt cho thu nhập khá cao.

Điều kiện tự nhiên kết hợp với sự cải tạo của con người đã tạo cho phong cảnh của xã Cẩm Lạc sơn thủy hữu tình: giữa xã là con sông Rác chạy dọc theo chiều dài của xã, những đêm trăng trai gái hai bên bờ sông hát ví giao duyên; hai bên bờ là những cánh đồng lúa xanh tươi, xa xa là những cánh rừng xanh mát bóng cây, thấp thoáng những đàn bò vàng đủng đỉnh đi về trong ánh nắng chiều.
Tuy vậy, Cẩm Lạc cũng như các xã khác của Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió Lào. Về mùa đông giá rét, về mùa thu thường có mưa, bão lũ, gây ngập úng, mùa hạ gió Lào khô, nóng rát, rất khó khăn cho việc phát triển sản xuất và chăn nuôi.
Dưới thời thực dân phong kiến, ruộng đất chủ yếu tập trung vào các địa chủ, nhiều người không có một tấc đất để sản xuất, suốt đời đi ở làm thuê. Cuộc sống của người dân dưới chế độ thực dân phong kiến hết sức cực khổ. Vào độ tháng ba, tháng tám (thường gọi là lúc giáp hạt) người dân phải ăn rau, củ chuối thay bữa. Quần áo không có mặc, phải bó khố (làm bằng vỏ cây), đêm nằm không có chăn, màn như bây giờ. Để chống đỡ giá lạnh, nhiều người dùng lá chuối khô hay rơm lát xuống để nằm, dùng lá tơi để đắp.
Trước đây nhân dân trong xã có nghề phụ là đi rừng. Người dân của 9 xóm (trong tổng số 12 xóm) hàng ngày vào rừng đốt than, lấy chạc trường, chặt cọc táu... đem về bán tại chợ Lụi (xã Cẩm Hà), chợ Cồn (xã Cẩm Nhượng) cho người dân đi biển. Người dân các xóm: Đinh Hồ, Đinh Phùng, Trung Đoài thường đi vào rừng theo cửa truông Vò Vò; các xóm: Hưng Đạo, Yên Lạc, Hoa Thám thường đi vào rừng từ cửa rú Nây Bổ và cửa Khum Khum; người dân các xóm: Quang Trung I, Quang Trung II và Lạc Thọ thường đi vào cửa Trẹ Trỉa, Nao Bá. Ngày trước núi rừng rậm rạp, rất nhiều thú giữ, có người vào rừng bị hổ 
ăn thịt. Có ngày ba người bị hổ vồ, rất nhiều lần hổ về làng bắt trâu, bò, lợn. Thế nhưng vì miếng cơm ăn hàng ngày, buộc người dân không quản gian khổ, chết chóc.

Để duy trì cuộc sống, người dân phải đi ở làm thuê, giữ rẽ trâu bò: cứ trâu bò mẹ đẻ được 3 con, nuôi sống cả thì người nuôi rẽ mới được 1 con, nếu chết 1 con thì phải đến vòng sau mới được hưởng. Ngày mùa gặt hái, cắt rạ được trả công bằng cách tính mỗi ngày một lượm lúa (khoảng 2 - 3 cân thóc tùy theo lúa tốt hay xấu).
Thực dân Pháp thi hành chính sách sưu thuế rất nặng nề. Ruộng đất được chia thành các đẳng hạng để đánh thuế: Nhất đẳng (ruộng hạng nhất) chịu thuế 3 đồng 5 hào Đông Dương/ mẫu, nhị đẳng 2,8 đồng/mẫu(2), tam đẳng 2,7 đồng/mẫu. Vsau hào lý thực hiện thu theo “tam nhất đồng nhị”, nghĩa là ruộng hạng nhất và hạng ba thu như ruộng hạng nhất. Thu như thế người dân càng thiệt thòi, bởi ruộng hạng nhất hầu hết nằm trong tay địa chủ, quan lại phong kiến, người dân chủ yếu làm ruộng hạng ba. Ngoài việc nộp sưu, người nông dân còn phải nộp 50% số lúa thực thu trên ruộng, ngày tết, ngày lễ còn phải biếu xén thêm cho chủ ruộng. Vì thế người nông dân luôn sống trong cảnh “chưa hết mùa trong nhà ta hết lúa”.
Dã man nhất là khoản thuế thân (thuế đánh vào đầu người). Thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều chia đinh (con trai trong từng gia đình) làm hai hạng để bắt nộp sưu. Hạng chính tráng (còn gọi là bài đỏ) là những người đàn ông từ 18 - 60 tuổi phải đóng 2 đồng 9 hào/người/năm; hạng bần (còn gọi là hạng bài mốc) phải nộp 1 đồng 8 hào/người/năm, cộng với các khoản thuế khác, mỗi người phải đóng 3,6 đồng, số tiền này
tương đương với gần 3 tạ thóc. Từ sau năm 1930 những người vị thành niên (17 tuổi, còn gọi là vị cập) cũng phải nộp sưu 3 hào/người/năm. Nạn sưu cao thuế nặng, cùng với chế độ địa tô khắc nghiệt của chế độ thực dân phong kiến đã làm cho cuộc sống của người dân nước ta nói chung và nhân dân Cẩm Lạc vô cùng cực khổ.

Hàng năm bọn thống trị còn tăng thuế từ 8 - 20% (gọi là phụ thu, lạm bổ, thực chất là thu để có tiền cho chúng tiêu xài). Năm 1924 Khải Định tổ chức lễ tứ tuần đại khánh rất lớn và tốn kém, bắt nhân dân khắp nơi gửi quà mừng. Sau lễ mừng thọ, ngân sách Nam triều kiệt quệ, Khải Định cho tǎng thêm 30% thuế điền.
Cứ đến dịp thu thuế không khí trong làng u ám, đầy máu và nước mắt. Nạn sưu cao, thuế nặng đã đẩy nhiều người đến bước đường cùng, có người phải rời bỏ quê hương, sống tha phương cầu thực. Nhiều gia đình gia tài khánh kiệt, không có tiền nộp sưu thuế, phải rời bỏ quê hương đi làm ăn ở các nước Lào, Thái Lan, làm phu mỏ ở Quảng Ninh, phu đồn điền cao su ở các tỉnh phía Nam, trong đó có nhiều người phải bỏ xác nơi đất khách quê người.
Để có tiền nộp sưu thuế, đỡ chồng con khỏi bị đánh đập, nhiều gia đình phải chấp nhận vay nặng lãi của những gia đình giàu có, hay bán lúa non cho họ với giá rẻ mạt. Người vay có khi phải chịu một vốn bốn lời, hàng tháng chưa trả kịp nợ thì chúng chồng lãi thành vốn. Cứ lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất lên mãi. Nhiều người không có tiền trả lãi lẫn gốc, phải bán lại ruộng đất, nhà cửa cho chúng với giá rẻ mạt, hay suốt đời phải đi làm không công cho chúng.

73303301 464260441100842 2730015465425338368 n Copy


Dưới chế độ thực dân phong kiến, đời sống tinh thần của nhân dân cũng bị áp bức nặng nề. Người dân mất hết quyền tự do dân chủ, người phụ nữ bị khinh rẻ không được bình đẳng với nam giới; phụ nữ không được tham gia vào các hoạt động của làng xã, chỉ làm công việc nội trợ gia đình. Bộ máy cai trị lúc bấy giờ là: ở huyện có tên tri huyện đứng đầu, dưới có đề lại, thừa phái, lục sự giúp việc. Mỗi tổng có một chánh tổng và phó tổng làm tay sai cho tri huyện. Ở thôn xã có lý trưởng, phó lý trưởng và ngũ hương làm mọi công việc phục vụ cho chúng như: tuần tra, canh gác, thu thuế, bắt phu…, ngoài ra còn có hội đồng hào mục. Quan lại, chức sắc cường hào là những tổ chức kìm hãm và ức hiếp nhân dân. Chúng ban bố lệnh bốn cấm: cấm cãi bề trên, cấm đọc thư từ, cấm nghe chuyện Xô - Trung, cấm đi khỏi làng. Người dân chỉ biết lao động, không được hưởng một quyền lợi gì. Tất cả gánh nặng phu phen, tạp dịch gì đều đổ lên đầu người nông dân. Hễ nghe tiếng trống hoặc mõ rao, bất kể khi nào, tất cả những người lao động trong làng đều phải có mặt. Ai đến chậm sẽ bị roi vọt, thậm chí có thể bị kìm kẹp. Để khống chế người dân chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn, thực dân Pháp và bộ máy Nam triều còn thành lập thêm Hội đồng hương biểu, Hội đồng tộc biểu. Tăng quyền hạn cho Hội đồng lý dịch do lý trưởng đứng đầu, càng tạo điều kiện cho bọn hào lý tha hồ thao túng, lũng đoạn người dân.
Luật lệ, hương ước của các làng trước đây đặt ra là: Cấm quần tam, tụ ngũ (tụ tập 3 đến 5 người); cấm nấu rượu lậu, cấm sát sinh trâu, bò. Những người không chồng mà có con (gọi là con ngoài giá thú) bị làng phạt nặng và không đăng ký hộ khẩu.
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, các cuộc liên hoan, hội hè, mở tiệc mừng lên chức... của làng, thường dùng trống đánh báo hiệu. Những người dân bình thường không bao giờ được tham dự, chỉ có những người có chức sắc trong làng như lý, hương, hào, cựu mới được mời. Còn khi những việc trong làng cần đến dân thì dùng mõ đánh tín hiệu. Tiếng mõ để tập trung dân đi phu đài tạp dịch, nộp thuế khóa... Vì thế nhân dân có câu: 
Trống đánh thì mặc làng, mõ đánh mặc dân.
Về văn hoá xã hội. Theo các nhà sử học, trên mảnh đất Hà Tĩnh con người đã cư trú từ rất sớm. Các di vật khảo cổ đã phát hiện nhiều địa điểm ở Hà Tĩnh có mặt của người nguyên thủy. Tuy nhiên cư dân sinh sống ở Cẩm Lạc xuất hiện vào khoảng thế kỷ XII, họ là những người di cư từ các tỉnh ở miền Bắc vào. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã tạo cho nhân dân Cẩm Lạc đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó. Nhân dân Cẩm Lạc từ trước đến nay sống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn.
Làng Đông Lạc trước đây chủ yếu có các dòng tộc họ Võ, họ Lê, họ Hoàng, họ Phạm; làng Thượng Thọ có các dòng tộc họ Nguyễn, họ Thiều, họ Đặng, họ Võ.
Nghề nghiệp của cộng đồng dân cư ở đây chủ yếu là nông nghiệp. Do khó chủ động được nguồn nước, ruộng bậc thang, nhiều nơi nhiễm phèn nên năng suất lúa còn thấp.
Xã có Chợ Biền, mỗi tháng họp 15 phiên vào các ngày lẻ âm lịch. Dưới thời kỳ Pháp thuộc, Chợ Biền đầu tiên được đặt tại vị trí nay thuộc thôn Yên Lạc, ở gần sông Rác thuận tiện cho việc buôn bán trên bến, dưới thuyền. Đình chợ được chạm trổ long, ly, quy, phượng rất đẹp; cột đình được làm bằng các loại gỗ quý, có những cột rất to, một người ôm không xuể. Đình chợ nổi tiếng khu vực phía Nam huyện. Do chợ được di chuyển nhiều lần nên đình chợ bị mất mát, hư hỏng, đến nay không còn. Đến thời điểm hiện nay, chợ Biền đã được di chuyển vị trí đến 9 lần, lần cuối vào cuối năm 2004, đầu năm 2005 chợ được chuyển về xứ Nhà Tm.

FB IMG 1591578381640


Bộ máy thực dân phong kiến dùng chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Toàn huyện Cẩm Xuyên lúc bấy giờ chỉ có một trường tiểu học ở huyện lỵ, trình độ đào tạo cao nhất tương đương lớp 4 hiện nay và vài trường học chỉ có lớp tư và lớp năm (tương đương với lớp 1 và 2 hiện nay). Do học phí và chi phí cho việc học cao, nên chỉ con em nhà giàu mới được đi học. Trường học rất ít, hầu hết nhân dân mù chữ. Đầu thế kỷ XX, một số ít gia đình có điều kiện ở các làng đã cho con em ra thị xã Hà Tĩnh học chữ Quốc ngữ. Do rất hiếm người được học hành thành đạt, nên ngày xưa nhân dân trong làng rất coi trọng người tài, học hành đỗ đạt cao, khi trở về làng được người dân rước đón long trọng: có vọng lọng, cờ trống...
Tuy thế một số gia đình vẫn tần tảo, chắt chiu nuôi con ăn học. Thời vua Lê Thế Tông có ông Lê Phúc Nhạc, là con của một gia đình rất nghèo khổ nhưng đã nuôi con ăn học, năm 1577 ông đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp, được bổ làm quan. Thời nhà Nguyễn, ở làng Thượng Thọ có một người họ Võ làm quan đến chức Thừa lại ở phủ Thạch (1). Đến năm 1928 phong trào học chữ Quốc ngữ trong xã đã được phát triển.
Bộ máy cai trị của chế độ thực dân phong kiến còn tìm cách duy trì, phát triển những hủ tục, tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma chay, mê tín dị đoan. Hàng năm, vào các ngày rằm tháng giêng, tháng bảy (âm lịch), ngày Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch), ngày lễ Kỳ Phúc (ngày 15 tháng 6 âm lịch)..., nhân dân trong làng phải nộp tiền, lễ vật để cúng tế ở các đền, chùa, miếu mạo. Chúng lợi dụng thần linh để ràng buộc, thống trị tinh thần người dân song song với thống trị chính trị. Thậm chí chúng còn nhập thuốc phiện để làm mê muội nhân dân, cho chúng dễ bề cai trị. Các ngày lễ lớn của làng ngoài tổ chức ăn uống, còn mời các phường hát, nhà trò và phường sắc bùa đến múa hát, chầu chực (các khoản kinh phí này đều bổ vào đầu dân).
Trai gái đến tuổi trưởng thành không được tự do lựa chọn lấy nhau, mà do cha mẹ quyết. Muốn cưới hỏi phải có bạc, 
vàng, phẩm vật do nhà gái yêu cầu. Nhiều đôi trai gái vì không nộp đủ lễ vật do nhà gái yêu cầu nên không lấy được nhau.
Lĩnh vực y tế hầu như không được chính quyền thực dân quan tâm. Trước tháng 8 năm 1945, ngành y tế trên địa bàn xã và huyện hầu như chưa có gì. Cả tỉnh chỉ có một bệnh viện, nhưng quy mô và số giường bệnh cũng chỉ hơn một trạm y tế xã hiện nay. Mỗi huyện có một trạm bán thuốc, nhưng thuốc men rất khan hiếm và rất đắt, chỉ có nhà giàu mới đủ tiền mua. Người dân ốm đau chữa bệnh bằng các thầy lang, hay chữa bệnh bằng hình thức mê tín, cúng bái; gia đình nào có điều kiện cũng chỉ tiền để cắt vài thang thuốc bắc. Vì vậy rất nhiều người bị chết một cách oan uổng, do không được chữa trị đúng cách.
Các làng của Cẩm Lạc ngày trước có 23 đền chùa, miếu mạo. Một số đền chùa, miếu mạo đã bị phá hủy, nay chỉ còn miếu Tam Tòa ở thôn Lạc Thọ còn nguyên 4 miếu, điện và 6 pho tượng. Một số đền, miếu mang đậm dấu ấn lịch sử.
Đền thờ Lê Phúc Nhạc, đền được đặt tại động Phượng Hoàng, thôn Quang Trung I xã Cẩm Lạc. Tên gọi Đền thờ quan hoàng Lê Phúc Nhạc, ông sinh năm 1553 tại xã Dư Lạc huyện Kỳ Hoa, sau này đổi thành thôn Đông Lạc, tổng Lạc Xuyên huyện Cẩm Xuyên. Tương truyền, ngày xưa ở làng Dư Lạc có mẹ con người đàn bà goá bụa nghèo hèn, sinh sống bằng nghề bán nước chè ngoài chợ. Tuy nghèo khó nhưng cậu bé rất thông minh, ham học. Đến năm Đinh sửu, dưới triều vua Lê Thế Tông (1567 - 1599), niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577) Lê Phúc Nhạc thi chế khoa đỗ Nhất giáp, lúc đó mới 25 tuổi. Ông được bổ làm quan đến Hữu thị lang Bộ lễ và được phong tước hầu. Sau khi ông mất được phong Phúc thần. Hai phong sắc của ông đến nay còn nguyên vẹn. Phần mộ của ông được an táng tại Rú Rác, địa phận xã Cẩm Trung. Đền thờ của ông được xây dựng cách đây hơn 120 năm tại động Quan Hoàng, địa phận thôn Quang Trung I(1), hiện nay được tôn tạo thành một khu di tích lịch sử văn hoá. Trước cửa đền có hai câu đối viết được đắp nổi bằng chữ Hán, câu bên phải là: Anh linh thiên cổ tại, câu bên trái: Hiển hách tứ thời vinh. Ngày 16 tháng 11 năm 2009 đền thờ Lê Phúc Nhạc được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3616 xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

20210406 143457

Đền thờ Hổ oai đại tướng quân họ Thiều, nằm trên địa bàn thôn Lạc Thọ, được xây dựng cách đây khoảng hơn 400 năm, thờ một vị nhân thần mới mười bốn tuổi, người họ Thiều có công dẹp hổ, lúc bấy giờ được nhà vua phong là Hổ oai đại tướng quân, kèm theo sắc phong. Mộ được an táng tại động Cơn Rò thuộc thôn Lạc Thọ. Đền nằm ở giữa đồng, có diện tích khuôn viên 500 m2, diện tích của đền 30 m2, xung quanh được xây tường, quanh đền có nhiều cây sanh cổ thụ. Năm 1986 đền được con cháu trong dòng họ và dân làng tôn tạo lại. Giỗ của vị nhân thần vào ngày 23 tháng 10 âm lịch hàng năm.
Miệu Tam Toà, được xây dựng trên địa bàn thôn Lạc Thọ. Gọi miệu Tam Toà là vì miệu có hai nhà thờ chính và một nhà thờ phụ. Ở cổng ra vào có hai cột nanh, trên đỉnh cột có nghê chầu, trong hai nhà thờ chính được đặt các ông Bụt làm bằng gỗ mít. Miệu được xây dựng cách đây khoảng 200 trăm năm. Diện tích khuôn viên của khu vực miệu khoảng 300 m2. Tương truyền Miệu này thờ các vị thần: Tam Tòa Thượng thượng đẳng thần, Tứ vị Thượng thượng đẳng thần, Thành hoàng bản thổ, Thần nông. Miệu có bốn miếu điện, hai tọa bên ngoài thờ các tướng lĩnh, quân lính, bộ hạ bảo vệ các vị thần trên. Cứ hàng năm vào tháng 2 âm lịch, dân làng làm lễ tế. Đầu tháng 2 tế 
Thượng mậu, lễ tế gồm xôi, oẵn chè; giữa tháng hai tế Trung mậu, hai làng tế hai con trâu đực to nhất làng; cuối tháng hai tế Hạ mậu, lễ tế là xôi, gà. Sau khi làm lễ tế xong, thủ của hai con trâu được đưa kính biếu hai lý trưởng của hai làng, phần nọng của con trâu được chia đem kính các hào cựu, phần quạt của con trâu được kính các cụ cao tuổi nhất của hai làng (từ 80 tuổi trở lên), phần còn lại chia đều cho người dân. Lễ tế Trung mậu được tổ chức rất long trọng. Người dân của 5 giáp (nay là 7 thôn) chuẩn bị tọa kiệu, tọa hương án, tàn lọng, cờ, súng, gươm, đao, trống chiêng... rước sắc lên miệu. Các làng phải mua sắm 100 áo đỏ gắn kim tuyến lóng lánh, 100 cây cờ thần để các trai làng gánh rước. Năm 2019 miệu Tam Tòa được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.Hiện nay miệu Tam Toà đang được tôn tạo lại.

76652242 995282534163458 7681048713925492736 n


Từ mốc son là xã đã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021, năm 2024 đến với Cẩm Lạc chúng ta với nhiều hứa hẹn và cơ hội phát triển mới, Đảng bộ, nhân dân xã Cẩm Lạc đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng các cấp, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
 


 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 123.661
Trong năm: 22.524
Trong tháng: 19.520
Trong tuần: 6.128
Trong ngày: 13
Online: 13