Nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an xã Cẩm Lạc xây dựng bài tuyên truyền “ Cảnh báo các phương thức, thủ đoạn và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng” để cán bộ và nhân dân trên địa bàn biết, đề phòng loại tội phạm này như sau:Cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng phố biến hiện nay

1. Lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản
Thông qua mạng Internet, các đối tượng đã thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô. Đối tượng tạo lập tài khoản giả mạo trên mạng xã hội trùng thông tin và ảnh đại diện với người dùng, kết bạn với nạn nhân trong danh sách bạn bè và nhắn tin vay mượn tiền theo kịch bản sẵn có. Trong một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người dùng để trực tiếp nhắn tin cho các nạn nhân trong danh sách bạn bè. Để tạo lòng tin với nạn nhân, đối tượng truyền tải Deepfake video có sẵn lên kênh video call, khiến nạn nhân nhận ra hình ảnh và giọng nói của người quen và nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng. Với công nghệ Deepfake, video giả mạo có độ chính xác cao, rất khó phân biệt thật giả. Tuy nhiên, video do đối tượng tạo sẵn thường có nội dung chung chung, không phù hợp hoàn toàn với ngữ cảnh thực tế giao tiếp với nạn nhân, có thể khiến nạn nhân nghi ngờ, phát hiện. Để che lấp khuyết điểm trên, các đối tượng thường tạo ra video với âm thanh khó nghe, hình ảnh không rõ nét giọng cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn được thực hiện trong khu vực phủ sóng di động/wifi yếu.
2. Chiếm đoạt quyền sử dụng Sim điện thoại để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản:
Lợi dụng quy định về chuẩn hóa thông tin thuê bao di động của các nhà mạng viễn thông, đáp ứng yêu cầu đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các đối tượng gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên Cục viễn thông, Trung tâm viễn thông,... để yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp đối tượng đưa ra, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ của các nhà mạng cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại do đối tượng đã chuẩn bị từ trước. Sau khi bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên, bị hại sẽ mất quyền kiểm soát Sim, mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại của đối tượng. Thông qua số điện thoại này, đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử, ... của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng “Quên mật khẩu”. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến Sim điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt, từ đó dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân. Sau đó, đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tiền của nạn nhân trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử, sử dụng các tài khoản mạng xã hội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc sử dụng thông tin của bị hại để vay tiền thông qua các App cho vay trên mạng, dân đến bị hại bị nợ các khoản tiền lớn mà không biết người sử dụng thông tin cá nhân của mình để vay tiền là ai và số tiền được vay dưới thông tin cá nhân của mình là bao nhiêu.
3. Tuyển cộng tác viên Online bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Các đối tượng mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop...) tuyển cộng tác viên làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng tăng tương tác, doanh số... theo các đơn hàng bất kỳ mà chúng gửi, hứa hẹn trả tiền công và lợi nhuận cao từ 10% đến 30%. Đối với đơn hàng có giá trị nhỏ, đối tượng chuyển lại tiền gốc và hoa hồng đầy đủ để tạo niềm tin cho bị hại, sau đó yêu cầu bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn. Khi bị hại chuyển tiền, chúng đưa ra các lý do: người cộng tác vi phạm quy định như lỗi nhắn tin sai cú pháp, chuyển vượt quá định mức số tiền thanh toán trong ngày, quá hạn... dẫn đến tài khoản bị khóa và yêu cầu bị hại chuyển tiền thêm nhiều lần để bảo lãnh, xác minh tài khoản... thì mới cho rút lại tiền gốc và lãi. Đối tượng đưa bị hại vào tình trạng muốn lấy lại tiền, tiếc tiền nên phải theo cho đến khi hết khả năng thanh toán thì mới biết bị lừa.
4. Giả danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các đối tượng sử dụng sim không chính chủ, thiết bị chuyển đổi số điện thoại, dịch vụ cuộc gọi thoại trên nền tảng Internet (VoIP) gồm các đầu số như: +840, +882, +9410), +94(70),... hoặc tạo APP (phần mềm ứng dụng) giả mạo các cơ quan chức năng để giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện đến nạn nhân thông báo có liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia; giả danh nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước viễn thông, nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện; giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn nhằm gây sức ép, dọa nạt làm người dân hoang mang, làm giả các lệnh bắt giam, khởi tố của cơ quan Công an, Viện kiểm sát để đe dọa nạn nhân, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, chứng minh số tiền của bị hại có liên quan đến tội phạm hay không. Bị hại nghĩ mình không phạm tội nên chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp hoặc tài khoản do mình tạo ra rồi cung cấp mã OTP cho đối tượng, sau đó bị chiếm đoạt tiền.
5. Sử dụng các thiết bị phát sóng di động (trạm BTS) giả để phát tán tin nhắn mạo danh các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng
Đối tượng sử dụng những thiết bị công nghệ cao được sản xuất ở nước ngoài, thiết lập trạm thu, phát sóng di động (trạm BTS) giả của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, từ đó thu thập thông tin thuê bao di động và thông tin thiết bị rồi phát tán tin nhắn mạo danh các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo có tên gần giống website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin của người dùng như tài khoản, mật khẩu, mã OTP,... sau đó xâm nhập tài khoản, rút tiền của nạn nhân.
6. Mời gọi tham gia dịch vụ hẹn hò Online
Đối tượng đăng bài quảng cáo, mời gọi làm thành viên dịch vụ hẹn hò Online qua ứng dụng mạng xã hội. Sau khi đăng ký tài khoản, người tham gia được yêu cầu xác thực để hoàn thành nhiệm vụ, nhận hoa hồng bằng cách truy cập vào đường link và nạp tiền theo hướng dẫn của hệ thống. Sau khi người tham gia nạp tiền thì hệ thống thông báo sai dữ liệu, tài khoản bị khóa, thành viên phải nộp thêm tiền để phục hồi dữ liệu, mở khóa tài khoản thành công và mới được cấp thẻ thành viên hẹn hò. Từ đây, các đối tượng yêu cầu người tham gia chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng chỉ định để hoàn thành nhiệm vụ, nhận hoa hồng. Tuy nhiên khi người tham gia chuyển tiền thì các đối tượng thông báo lỗi hoặc đưa ra nhiều lý do để yêu cầu người tham gia nạp tiền thêm nhiều lần nữa với giá trị ngày càng cao để chiếm đoạt.
7. Giả danh lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành và địa phưong để lừa đảo
Thông qua mạng xã hội, đối tượng truy cập vào trang Facebook, Zalo của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương để lấy hình ảnh cá nhân, sau đó lập tài khoản Facebook, Zalo khác với tên tương tự và sử dụng hình ảnh vừa lấy được làm ảnh dại diện, kết bạn rồi nhắn tin mượn tiền hoặc nhờ bạn bè, người thân, đồng nghiệp của người bị giả danh chuyển tiền thanh toán hóa đơn mua hàng hoặc trả nợ... nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
8. Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyến tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.
9. Giả danh cán bộ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp để lừa đảo bán tài liệu, phương tiện, yêu cầu tổ chức các lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm trục lợi. Đối tượng giới thiệu mình là cán bộ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy để yêu cầu làm các giấy tờ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, bán sách, tài liệu, phương tiện, thiết bị Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ giá cao hơn thị trường; mời các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ và yêu cầu chuyển tiền. Sau khi sách và tài liệu được gửi tới người mua qua đường bưu chính, người mua phải trả tiền trước khi nhận bưu phẩm. Tuy nhiên, người mua không thể liên lạc với số điện thoại của người gửi sau khi đã thanh toán.
10. Kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo
Đối tượng lập ra các sàn giao dịch tiền ảo, kêu gọi người dân bỏ tiền tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch ngoại hối, sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO), nghĩa là người mua sẽ đưa ra dự đoán tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số... tại thời điểm dự doán. Nếu dự đoán đúng, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận theo tỷ lệ sàn đưa ra, nếu dự đoán sai, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền giao dịch đó. Khi tham gia, nếu nhà đầu tư giới thiệu thêm người khác vào hệ thống nhánh dưới của mình, thì được thêm 50% hoa hồng, số tiền hoa hồng tiếp tục tăng lên khi giới thiệu được nhiều người tham gia nhưng thực chất là đối tượng lấy tiền của người sau trả cho người trước. Ban đầu, để thu hút người tham gia, đối tượng thực hiện thanh toán khoản tiền từ tiền ảo sang tiền thật rất dễ dàng để nhà đầu tư tin tưởng. Đến khi người chơi đầu tư số tiền lớn vào các sàn giao dịch tiền ảo thì bất ngờ sàn giao dịch bị sập không thể rút tiền về hoặc liên tục báo lỗi không thể truy cập tài khoản, đồng nghĩa với việc người chơi mất sạch tiền đầu tư.
11. Giả vờ yêu đương, gửi/nhận quà từ nước ngoài
Đối tượng kết bạn qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, Telegram, giới thiệu là người nước ngoài, quân nhân, doanh nhân thành đạt đang công tác nước ngoài làm quen với bị hại, “giả vờ” yêu đương, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao như: vàng, kim cương, USD,... cho bị hại (chú yếu là phụ nữ). Đồng thời, đối tượng bố trí các đối tượng khác giả danh nhân viên sân bay, hải quan, bưu điện, thuế... liên lạc với bị hại thông báo quà, tiền, hàng hóa đã chuyển về Việt Nam, yêu cầu bị hại phải nộp các loại phí dịch vụ, phí hải quan, thuế,... để được nhận quà, tiền, hàng hóa từ nước ngoài gửi về vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp sau đó ngắt liên lạc, chiếm đoạt tiền của bị hại.
12. Đánh cắp tài khoản mạng xã hội của người Việt Nam ở nước ngoài sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân ở Việt Nam để vay mượn tiền, đổi ngoại tệ và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho các đối tượng.
13. Mua hàng trực tuyến với giá rẻ
Các đối tượng đăng tin bán ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, đồ tiêu dùng... trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo,... Để mua được hàng, đối tượng yêu cầu phải đặt cọc trước và chuyển tiền vào số tài khoản do chúng chỉ định. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng không giao hàng, khóa trang mạng, cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân.
14. Giả chuyển tiền nhầm rồi ép trả lãi suất cao
Các đối tượng cố ý chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người dân với nội dung cho vay, sau đó có người gọi điện thoại báo rằng mình vừa chuyển nhầm và nhờ chuyển trả lại thông qua một tài khoản khác. Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm đòi tiền nạn nhân, chúng đưa ra chứng từ gửi tiền, thông tin chuyển khoản làm bằng chứng, bắt nạn nhân thanh toán tiền lãi vay trong những ngày trước, nếu không trả sẽ bị quấy rối hoặc khởi kiện ra Tòa án.
15. Gọi điện quấy rối, đe dọa, khủng bố đòi nợ
Các đối tượng tự xưng là nhân viên của các công ty tài chính gọi điện, nhắn tin quấy rối, đe dọa theo kiểu khủng bố để gây áp lực, ép buộc người vay phải trả nợ, đặc biệt các đối tượng gọi điện, nhắn tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đăng hình ảnh lên mạng xã hội với nội dung phản cảm, sai sự thật, gây bức xúc trong cơ quan, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương.
16. Vay tiền trực tuyến
Đối tượng sử dụng mạng xã hội giả danh các ngân hàng, công ty tài chính, đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng, giải ngân sau 05 phút, chỉ cần gửi ảnh sổ hộ khẩu, giấy CMND/CCCD. Khi có người liên hệ để vay tiền, các đối tượng tự xưng là nhân viên của ngân hàng, công ty tài chính tư vấn khoản vay và chụp ảnh gửi cho người vay “Hợp đồng tín dụng" có đóng dấu mộc do với nội dung đã phê duyệt khoản vay. Sau đó, yêu cầu người vay nộp nhiều khoản tiền như phí mở hồ sơ, phí bảo hiểm,... vào số tài khoản chỉ định để được giải ngân. Sau khi chuyển tiền xong, người vay không nhận được tiền giải ngân và không liên lạc được với đối tượng.
17. Giả mạo thông báo của ngân hàng chiếm đoạt tài sản
Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng để gửi tin nhắn, gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí hoặc đăng ký một số dịch vụ mà khách hàng không hề hay biết... dọa khóa tài khoản. Để giải quyết các vấn đề trên, đối tượng hướng dẫn khách hàng truy cập vào đường liên kết (link) trang web giả mạo ngân hàng, cài đặt ứng dụng do chúng tạo ra nhằm đánh cắp các thông tin tài khoản ngân hàng gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP ngân hàng, xong chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.
18. Thông báo trúng thưởng
Đối lượng sử dụng sim không chính chủ, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo,... giả mạo các ngân hàng, công ty tài chính... thông báo dạng có chương trình khuyến mãi, tặng quà tri ân khách hàng và yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, số tài khoản để tham gia hoặc thông báo bạn đã trúng thưởng một món hàng có giá trị cao như: xe máy SH, điện thoại iphone, sổ tiết kiệm có giá trị vài trăm triệu đồng... Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoán do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng. Nhưng sau khi nhận được tiền, các đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với bị hại.
19. Lừa nhận giải cứu đưa người Việt Nam từ Campuchia về
Lợi dụng việc công dân Việt Nam ở Campuchia có nhu cầu về nước, đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, đăng tải bài viết trong các nhóm người Việt Nam lao động, làm việc tại Campuchia với nội dung “Nhận giải cứu, đưa người Việt Nam từ Campuchia về Việt Nam”. Khi công dân Việt Nam tại Campuchia liên hệ, đối tượng yêu cầu cung cấp họ tên, chụp ảnh nơi ở và thông tin liên hệ người thân. Sau đó, đối tượng sử dụng thông tin cung cấp cho người thân nạn nhân yêu cầu chuyển tiền đặt cọc đề làm thủ tục cho nạn nhân nhập cảnh vào Việt Nam. Sau khi nhận được tiền, đối tượng chặn liên hệ và chiếm đoạt tài sản.
20. Tạo các fanpage đặt trùng tên hoặc gần giống với nhiều fanpage có uy tín trên các trang mạng xã hội để đăng bài kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ thiện các trường hợp khó khăn không có thật, sau đó chiếm đoạt tài sản.
21. Mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.
Khuyến cáon gười dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm  đoạt tài sản trên không gian mạng
1. Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc Online qua mạng.
2. Không công khai các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng ... lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo; chọn lọc những thông tin cụ thể khi chia sẻ công khai lên mạng xã hội.
3. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và bảo mật tuyệt đối về thông tin của các tài khoản trên gồm: tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng,... không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được nguồn gốc.
4. Không truy cập các đường link trong tin nhắn, email lạ không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng.
5. Cảnh giác khi tiếp cận website, ứng dụng (App) trong các tin nhắn mà người dùng nhận được, bao gồm các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng.
6. Cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp thẻ điện thoại, hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn, không rõ lý do.
7. Cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng... lưu ý chí nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên trang web, ứng dụng chính thức của ngân hàng có uy tín.
8. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện trực tiếp (nếu có thể nên gọi video call) để xác nhận thông tin trước khi chuyển tiền yêu cầu của người đó.
9. Đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển, nhận tiền từ nước ngoài về thì gửi nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển tiền, đổi tiền quốc tế của các cá nhân, tổ chức không hợp pháp.
10. Không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua, thuê người khác mở tài khoản ngân hàng cần báo ngay cho Cơ quan Công an để có biện pháp xử lý theo quy định cúa pháp luật.
11. Không cài đặt lên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng trước yêu cầu của đối tượng lạ.
12. Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần gọi ngay cho bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh. Nếu bị mất điện thoại, cần khẩn trương báo nhà mạng khóa sim kịp thời.
13. Khi mua hàng Online tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng Online chứ không có cửa hàng cụ thể.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 123.678
Trong năm: 22.541
Trong tháng: 19.537
Trong tuần: 6.128
Trong ngày: 30
Online: 16